(TBTCVN) - Dự đoán về triển vọng của thị trường tài chính năm 2019, bà Nguyễn Thị Hải Bình - Trưởng ban Phát triển thị trường tài chính, Viện Chiến lược và chính sách tài chính, Bộ Tài chính cho biết.
Chỉ số VN- Index có thời điểm đã lập đỉnh cao mới trong lịch sử, vượt 1.200 điểm
Năm 2019, sẽ có nhiều điểm sáng trên thị trường tài chính nhờ các yếu tố hỗ trợ tích cực từ bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế. Đặc biệt là môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, các rào cản về thể chế, chính sách từng bước được tháo gỡ thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp; năng lực cạnh tranh và vị thế của Việt Nam tiếp tục được nâng cao trên trường quốc tế.
* PV: Thưa bà, bà đánh giá như thế nào về hoạt động của thị trường tài chính năm 2018?
- Bà Nguyễn Thị Hải Bình: Trong năm 2018, thị trường tài chính – hàn thử biểu của nền kinh tế, tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực, khả quan, đó là:
Trên thị trường cổ phiếu, mặc dù thời gian gần đây giá cổ phiếu có giảm do tác động chủ yếu từ thị trường chứng khoán thế giới sau quyết định tăng lãi suất lần thứ 4 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), nhưng nhìn chung thị trường sôi động. Khối lượng giao dịch tăng mạnh, thị trường trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế. Đặc biệt, chỉ số VN- Index có thời điểm đã lập đỉnh cao mới trong lịch sử, vượt 1.200 điểm (ngày 9 - 10/4/2018). Năm 2018, cũng đã chứng kiến sự bùng nổ của các doanh nghiệp có quy mô lớn như HDB, Vinhome, TCB, TPB..., qua đó góp phần nâng vốn hóa thị trường cổ phiếu lên trên 75% GDP – mức cao nhất từ trước đến nay.
Bà Nguyễn Thị Hải Bình |
Thị trường trái phiếu Việt Nam cũng ghi nhận mức môi trường kinh tế vĩ mô tích cực và ước tăng khoảng 16%, đạt khoảng 60 tỷ đồng, trong đó thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) tăng trưởng 14,7%, vốn hóa đạt 27% GDP còn thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) tăng trưởng trên 30% vốn hóa đạt 7% GDP. Nếu như trước đó TPDN niêm yết chỉ có sự tham gia của một số doanh nghiệp như Vingroup, CII, HIFC,... thì từ năm 2017, tổng cộng có thêm 19 trái phiếu với giá trị niêm yết 17.730 tỷ đồng được lên sàn, trong đó có cả những đơn vị chưa niêm yết cổ phiếu như Anco, TTC Edu,...
Năm 2018, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam cũng ghi dấu ấn khi được Tổ chức tính toán chỉ số chứng khoán toàn cầu (FTSE) đưa vào danh sách theo dõi nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi, nhờ đã thỏa mãn 8 trong 9 điều kiện tiên quyết để được nâng hạng lên thị trường mới nổi hạng 2 và chỉ còn 1 điều kiện duy nhất còn chưa được thỏa mãn là thanh toán bù trừ. Đây là ghi nhận quốc tế đối với những cải tiến và phát triển thị trường trong một thời gian dài, đồng thời cho thấy TTCK Việt Nam đang dần đạt các tiêu chuẩn quốc tế...
* PV: Theo bà, đâu là nguyên nhân để thị trường tài chính đạt được những kết quả khả quan như vậy?
- Bà Nguyễn Thị Hải Bình: Những dấu ấn rõ nét của thị trường tài chính trong năm qua chủ yếu là nhờ chính sách tài khóa và tiền tệ được điều hành theo hướng chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp chặt chẽ với nhau và với các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm hỗ trợ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, các rào cản về thể chế, chính sách từng bước được tháo gỡ thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp như tăng cường năng lực tài chính, hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghệ hiện đại; công tác quản lý, giám sát được đẩy mạnh, giúp giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc trên các thị trường.
* PV: Bước sang năm mới, bà có dự đoán như thế nào về tình hình thị trường tài chính trong năm 2019 này?
- Bà Nguyễn Thị Hải Bình: Sang năm 2019, trên thị trường tiền tệ, lãi suất tiếp tục chịu áp lực tăng do nhiều nguyên nhân, trong đó FED nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng lãi suất, đạt mức lãi suất điều hành dự kiến là 3,5%. Bên cạnh đó, áp lực lạm phát trong năm 2019 có thể sẽ tăng cao hơn 2018, tạo ra áp lực tăng lãi suất tiền gửi với hệ thống ngân hàng. Ngoài ra, các yếu tố rủi ro bên ngoài như chính sách tiền tệ tại các quốc gia trên thế giới đang theo hướng thắt chặt hơn, trực tiếp góp phần tăng chi phí vay mượn trên quy mô toàn cầu.
Năm 2019 diễn biến của TTCK sẽ phụ thuộc vào cả yếu tố bên ngoài và động lực tăng trưởng bên trong của nền kinh tế. Diễn biến căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc và chính sách điều hành của FED sẽ tiếp tục gây ra các tác động nhất định đến TTCK quốc tế, các nhà đầu tư có thể chuyển hướng quan tâm đầu tư sang các TTCK của các nền kinh tế mới nổi như diễn biến từ giữa năm 2018. Nhờ đó, TTCK Việt Nam cũng sẽ có cơ hội thu hút thêm các nhà đầu tư nước ngoài. Từ phía nội tại, động lực tăng trưởng của thị trường được đánh giá bởi các chuyên gia và các công ty chứng khoán là vẫn được duy trì và đến chủ yếu từ sự thoái vốn, đấu giá cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của doanh nghiệp nhà nước có quy mô vốn hóa lớn, kinh tế vĩ mô tăng trưởng tốt và ổn định, tình hình sản xuất kinh doanh, lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết dự báo tiếp tục khả quan.
Thị trường TPCP, TPDN và thị trường phái sinh năm 2019 dự báo sẽ phát triển mạnh mẽ hơn so với năm 2018 nhờ vào việc hoàn thiện khung khổ pháp lý, tái cơ cấu nhà đầu tư, hiện đại hóa công nghệ thông tin, hệ thống đấu thầu. Thị trường bảo hiểm sẽ tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao trong năm 2019 nhờ một số yếu tố thuận lợi như tăng trưởng GDP tiếp tục được duy trì ở mức cao (dự báo tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2019 - 2020 sẽ đạt khoảng 6,9%); nhu cầu về bảo hiểm tiếp tục tăng do nhận thức về vai trò bảo hiểm của dân cư và các tổ chức kinh tế tăng; các quy định pháp lý về bảo hiểm sẽ tiếp tục được hoàn thiện (theo dự kiến văn bản Luật Kinh doanh bảo hiểm mới sẽ được xây dựng và trình Quốc hội thông qua vào năm 2020).
* PV: Xin cảm ơn bà!
Trích nguồn thoibaotaichinhvietnam.