Ngày 14/7/2023, Tổng cục Thuế ban hành Quyết định 970/QĐ-TCT năm 2023 về Quy trình kiểm tra thuế tại trụ sở doanh nghiệp. Ở bài viết này, Sài Nam sẽ chia về trình tự và các thủ tục liên quan.
Trình tự, thủ tục kiểm tra thuế tại trụ sở công ty, doanh nghiệp:
Giai đoạn 1: Chuẩn bị kiểm tra tại trụ sở công ty, doanh nghiệp:
- Ban hành Quyết định kiểm tra (mẫu số 04/KTT ban hành kèm theo Thông tư 80/2021/TT-BTC)
Hồ sơ trình ban hành Quyết định kiểm tra gồm:
- Tờ trình nêu rõ lý do,nội dung, thời kỳ kiểm tra.
- Quyết định kiểm tra thuế theo mẫu số 04/KTT ban hành kèm theo Thông tư 80/2021/TT-BTC (Dự thảo)
- Phiếu phân tích, đánh giá rủi ro xác định nội dung, thời kỳ rủi ro theo mẫu số 06/QTKT
- Hồ sơ giám sát hoạt động đoàn kiểm tra (Dự thảo)
- Gửi Quyết định kiểm tra thuế cho doanh nghiệp chậm nhất là 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày ban hành Quyết định
Trường hợp bộ phận không trực tiếp quản lý công ty, doanh nghiệp kiểm tra thì gửi 01 bản cho bộ phận trực tiếp quản lý doanh nghiệp để chuyển cho các bộ phận có liên quan.
- Phân công công việc kiểm tra: Trước khi công bố Quyết định kiểm tra, Trưởng đoàn kiểm tra phải phân công công việc cho các thành viên trong đoàn theo nội dung ghi trong Quyết định kiểm tra
- Bãi bỏ, điều chỉnh Quyết định kiểm tra hoặc hoãn; tạm dừng kiểm tra
Trường hợp | Quy định | Hồ sơ |
Bãi bỏ Quyết định kiểm tra | - Trước khi công bố Quyết định kiểm tra: Doanh nghiệp giải trình chứng minh được số thuế khai là đúng và nộp đủ số tiền thuế phải nộp - Cơ quan thuế đã ban hành Quyết định kiểm tra: doanh nghiệp đã bỏ kinh doanh hoặc có văn bản đề nghị hủy hồ sơ đề nghị hoàn thuế hoặc người đại diện công ty vắng mặt trong thời gian dài bởi lý do bất khả kháng… - Quyết định kiểm tra có nội dung và kỳ kiểm tra trùng lặp với Quyết định thanh tra, kiểm tra của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. | - Tờ trình nêu rõ lý do bãi bỏ Quyết định kiểm tra thuế. - Quyết định bãi bỏ Quyết định kiểm tra thuế . - Các tài liệu trình kèm lý do bãi bỏ. |
Hoãn kiểm tra trước khi công bố Quyết định kiểm tra | Khi doanh nghiệp có văn bản đề nghị hoãn thời gian tiến hành kiểm tra có nêu rõ lý do và thời gian hoãn hoặc trường hợp cơ quan thuế có lý do bất khả kháng phải hoãn thời gian tiến hành kiểm tra | |
Tạm dừng kiểm tra trong quá trình kiểm tra | Do có lý do bất khả kháng, không thể tiếp tục thực hiện kiểm tra | Trưởng đoàn kiểm tra báo cáo Người ban hành Quyết định kiểm tra xem xét ban hành thông báo tạm dừng kiểm tra theo mẫu số 08/QTKT |
Điều chỉnh Quyết định kiểm tra | Trường hợp trong quá trình kiểm tra thuế phát sinh việc phải điều chỉnh về Quyết định kiểm tra (thay đổi trưởng đoàn, điều chỉnh thành viên đoàn kiểm tra, điều chỉnh nội dung, thời kỳ kiểm tra) | - Tờ trình nêu rõ lý do điều chỉnh Quyết định kiểm tra thuế. - Quyết định điều chỉnh Quyết định kiểm tra thuế - Phiếu phân tích, đánh giá rủi ro |
Trường hợp công ty, doanh nghiệp nhận được Quyết định kiểm tra khi vẫn đang hoạt động kinh doanh bình thường nhưng không nhận hoặc cố tình trốn tránh không chấp hành thì sẽ bị lập biên bản vi phạm hành chính
Giai đoạn 2: Kiểm tra tại trụ sở công ty, doanh nghiệp
- Công bố Quyết định kiểm tra thuế và giải thích nội dung Quyết định kiểm tra để công ty, doanh nghiệp hiểu và có trách nhiệm chấp hành
- Thực hiện kiểm tra tại trụ sở công ty, doanh nghiệp:
Việc kiểm tra theo Quyết định kiểm tra thuế phải được tiến hành chậm nhất là 10 (mười) ngày làm việc, kể từ ngày ban hành Quyết định kiểm tra thuế
- Trưởng đoàn kiểm tra, thành viên đoàn kiểm tra thực hiện kiểm tra đúng nội dung, không quá thời hạn ghi trong Quyết định kiểm tra thuế.
- Thành viên đoàn kiểm tra phải thực hiện các công việc theo phân công của trưởng đoàn kiểm tra, được quyền yêu cầu công ty, doanh nghiệp cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung kiểm tra thuế không có trên hệ thống cơ sở dữ liệu của ngành thuế.
Lưu ý: Công ty, doanh nghiệp phải cung cấp hồ sơ, tài liệu, hóa đơn, chứng từ, sổ kế toán liên quan đến nghĩa vụ thuế quá thời hạn 06 giờ làm việc, kể từ khi nhận được yêu cầu của đoàn kiểm tra nếu không sẽ bị lập biên bản vi phạm hành chính
- Kết thúc kiểm tra phần công việc được giao, thành viên đoàn kiểm tra phải lập biên bản xác nhận số liệu với đại diện công ty, doanh nghiệp và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực, khách quan của biên bản xác nhận số liệu kiểm tra.
- Lập biên bản kiểm tra thuế:
Biên bản kiểm tra được lập bao gồm các nội dung sau:
- Mô tả đặc điểm tình hình chung về hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty, doanh nghiệp và giải thích lý do nếu có sự chênh lệch giữa số liệu theo kiểm tra của đoàn kiểm tra so với số liệu kê khai, báo cáo của công ty
- Phạm vi, thời kỳ kiểm tra
- Kết luận về từng nội dung kiểm tra, xác định số thuế phải nộp tăng thêm và kiến nghị biện pháp xử lý.
- Quyền và thời hạn giải trình của doanh nghiệp.
Biên bản kiểm tra phải được Trưởng đoàn kiểm tra và công ty, doanh nghiệp (hoặc đại diện hợp pháp của công ty, doanh nghiệp) ký vào từng trang và đóng dấu của công ty, doanh nghiệp gồm cả dấu riêng và dấu giáp lai giữa các trang của biên bản (nếu công ty, doanh nghiệp là tổ chức có con dấu riêng).
Biên bản kiểm tra phải được lập tối thiểu là 04 bản, có giá trị pháp lý như nhau:
- 01 bản công ty, doanh nghiệp giữ.
- 01 bản Trưởng đoàn kiểm tra giữ.
- 01 bản gửi cho bộ phận kê khai và kế toán thuế.
- 01 bản lưu tại bộ phận thực hiện kiểm tra thuế.
- Xử lý kết quả kiểm tra tại trụ sở công ty, doanh nghiệp.
- Chậm nhất là 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày ký biên bản kiểm tra thuế, Trưởng đoàn kiểm tra phải báo cáo Lãnh đạo bộ phận kiểm tra thuế để trình Thủ trưởng cơ quan thuế về kết quả kiểm tra thuế (mẫu số 11/QTKT ban hành kèm theo quy trình này) và dự thảo Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế hoặc kết luận kiểm tra thuế được gửi cho các bộ phận sau:
+ 01 bản gửi cho công ty, doanh nghiệp.
+ 01 bản lưu hồ sơ.
+ 01 bản trưởng đoàn kiểm tra lưu.
+ 01 bản gửi cho bộ phận kê khai và kế toán thuế.
+ 01 bản gửi cho bộ phận quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế;
+ 01 bản lưu tại bộ phận thực hiện kiểm tra thuế cùng với Quyết định kiểm tra và biên bản kiểm tra thuế.
+ 01 bản lưu tại bộ phận trực tiếp quản lý công ty, doanh nghiệp.
- Ghi nhật ký kiểm tra:
Trưởng đoàn kiểm tra và thành viên đoàn kiểm tra phải ghi nhật ký kiểm tra bằng hình thức ghi điện tử theo Quy trình quản lý, sử dụng và vận hành ứng dụng nhật ký thanh tra, kiểm tra do Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế ban hành.
- Giám sát đoàn kiểm tra:
Trưởng đoàn kiểm tra và thành viên đoàn kiểm tra phải thực hiện các yêu cầu về giám sát đoàn kiểm tra theo quy định của pháp luật và Quy chế giám sát hoạt động của đoàn thanh tra, kiểm tra thuế do Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế ban hành.
- Theo dõi, thực hiện kết quả sau kiểm tra:
Bộ phận kiểm tra thuế phối hợp với bộ phận Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế theo dõi, đôn đốc việc thực hiện nộp các khoản thuế truy thu, truy hoàn, tiền phạt theo kết quả kiểm tra ghi trên Quyết định xử phạt về thuế
Khuyến khích đoàn kiểm tra và công ty, doanh nghiệp làm việc theo phương thức giao dịch điện tử, làm việc trực tuyến cơ sở dữ liệu, ứng dụng công nghệ thông tin nếu cơ quan thuế, công ty, doanh nghiệp đáp ứng được điều kiện về cơ sở hạ tầng.
Tư vấn thuế Sài Nam
Trên đây là chia sẻ của chúng tôi về quy trình kiểm tra thuế tại doanh nghiệp, nếu còn thắc mắc đừng ngần ngại liên hệ cho Sài Nam để được giải đáp.
Với kinh nghiệm 10 năm cung cấp dịch vụ pháp lý doanh nghiệp, Kế toán - Thuế Sài Nam cam đoan sẽ mang đến cho quý khách hàng trải nghiệm tốt nhất khi sử dụng dịch vụ của chúng tôi