Vì rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến việc nộp thừa tiền thuế, khi đó người nộp thuế có số tiền thuế nộp thừa có thể thực hiện bù trừ với số thuế còn phải nộp. Để được bù trừ, người nộp thuế cần thực hiện một số thủ tục. Thủ tục bù trừ tiền thuế luôn là chủ đề rất được quan tâm. Cùng Sài Nam tìm hiểu về thủ tục này ngay sau đây!
Trường hợp được bù trừ tiền thuế
Theo khoản 1 Điều 60 Luật Quản lý thuế 2019 quy định trường hợp được bù trừ số tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp nộp thừa với số còn nợ hoặc số phải nộp ở lần nộp thuế tiếp theo.
Trường hợp không còn nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt thì được hoàn trả số tiền nộp thừa.
Lưu ý: Không tính tiền chậm nộp đối với khoản tiền bù trừ trong khoảng thời gian từ ngày phát sinh khoản nộp thừa đến ngày cơ quan thuế thực hiện bù trừ.
Nguyên tắc xử lý số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa
Số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa được bù trừ hoặc hoàn trả theo quy định tại khoản 1 Điều 25 Thông tư 80/2021/TT-BTC như sau:
a) Các trường hợp bù trừ khoản nộp thừa với số tiền thuế còn nợ, tiền chậm nộp còn nợ, tiền phạt còn nợ (khoản nợ) hoặc số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt phải nộp của lần tiếp theo (khoản thu phát sinh):
- Bù trừ với khoản nợ, khoản thu phát sinh có cùng nội dung kinh tế (tiểu mục) và cùng địa bàn thu ngân sách với khoản nộp thừa.
- Tổ chức trả thu nhập bù trừ có số thuế TNCN nộp thừa với số còn nợ hoặc phải nộp.
Số thuế TNCN nộp thừa (khi quyết toán) | = | Số thuế nộp thừa của cá nhân uỷ quyền quyết toán | – | Số thuế còn phải nộp của cá nhân uỷ quyền quyết toán |
Sau khi bù trừ mà vẫn còn thừa thì tổ chức trả thu nhập có trách nhiệm trả cho cá nhân uỷ quyền quyết toán số thuế TNCN nộp thừa đó.
- Bù trừ với khoản nợ hoặc khoản thu phát sinh có cùng nội dung kinh tế (tiểu mục) và cùng địa bàn thu ngân sách của người nộp thuế khác khi không còn khoản nợ.
- Nếu có số tiền thuế nộp thừa bằng ngoại tệ phải quy đổi sang đồng Việt nam theo tỷ giá bán ra đầu ngày của Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam tại thời điểm xác định số thuế nộp thừa để bù trừ.
b) Trường hợp được hoàn trả, hoàn trả kiêm bù trừ thu ngân sách:
Người nộp thuế có khoản nộp thừa sau khi thực hiện bù trừ vẫn còn khoản nộp thừa hoặc không có khoản nợ thì được đề nghị hoàn trả hoặc hoàn trả kiêm bù trừ khoản thu ngân sách nhà nước.
Thời điểm xác định khoản nộp thừa để xử lý bù trừ hoặc hoàn trả
Thời điểm xác định có khoản nộp thừa để xử lý bù trừ hoặc hoàn trả khoản nộp thừa được hướng dẫn tại điểm c khoản 1 Điều 25 Thông tư 80/2021/TT-BTC như sau:
Trường hợp | Thời điểm xác định khoản nộp thừa |
Người nộp thuế tự tính, tự khai và tự nộp thuế theo số thuế đã kê khai | Ngày nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước. Trường hợp nộp tiền trước khi nộp hồ sơ khai thuế thì tính tại ngày người nộp thuế nộp hồ sơ khai thuế hoặc hồ sơ khai bổ sung (nếu có) |
Nộp thuế theo Thông báo nộp tiền của cơ quan thuế, cơ quan nhà nước | Ngày nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước. Trường hợp nộp tiền trước ngày thông báo thì tính tại ngày ban hành thông báo nộp tiền hoặc thông báo điều chỉnh, bổ sung (nếu có) |
Nộp tiền theo Quyết định của cơ quan thuế, cơ quan nhà nước | Ngày nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước. Trường hợp nộp tiền trước ngày có Quyết định hoặc Văn bản thì tính tại ngày ban hành Quyết định hoặc Văn bản, nếu có nhiều Quyết định. |
Đã nộp tiền vào ngân sách nhà nước nhưng sau đó thực hiện theo Bản án, Quyết định của Toà án | Ngày Bản án, Quyết định có hiệu lực. |
Trình tự, thủ tục bù trừ số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa
Căn cứ theo khoản 2 Điều 25 Thông tư 80/2021/TT-BTC, thủ tục bù trừ số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa được quy định cụ thể như sau:
– Người nộp thuế có khoản nộp thừa bù trừ với khoản nợ, khoản thu phát sinh thì không phải gửi hồ sơ đề nghị bù trừ khoản nộp thừa, cơ quan thuế sẽ tự động bù trừ trên hệ thống quản lý thuế .
– Người nộp thuế có khoản nộp thừa bù trừ với khoản nợ, khoản thu phát sinh khi không còn khoản nợ thì phải gửi hồ sơ đề nghị bù trừ khoản nộp thừa
Trình tự thực hiện:
Bước 1: Nộp hồ sơ đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp. Hồ sơ bao gồm:
- Văn bản đề nghị xử lý số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa theo mẫu số 01/DNXLNT
- Các tài liệu liên quan (nếu có)
Bước 2: Tiếp nhận và xử lý hồ sơ
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ đề nghị bù trừ khoản nộp thừa của người nộp thuế, cơ quan thuế đối chiếu khoản nộp thừa, khoản nợ, khoản thu phát sinh tại văn bản đề nghị của người nộp thuế với dữ liệu trên hệ thống quản lý thuế:
- Nếu thông tin người nộp thuế cung cấp khớp với dữ liệu trên hệ thống thuế: cơ quan thuế thực hiện bù trừ và thông báo cho người nộp thuế theo mẫu số 01/TB-XLBT.
- Nếu sau khi kiểm tra xác định người nộp thuế cung cấp không thuộc trường hợp được bù trừ khoản nộp thừa : cơ quan thuế ban hành Thông báo theo mẫu số 01/TB-XLBT nêu rõ lý do không thực hiện bù trừ khoản nộp thừa gửi cho người nộp thuế.
- Nếu thông tin người nộp thuế cung cấp không khớp với dữ liệu trên hệ thống thuế: cơ quan thuế ban hành Thông báo yêu cầu giải trình, bổ sung thông tin, tài liệu theo mẫu số 01/TB-BSTT-NNT gửi cho người nộp thuế để giải trình, bổ sung thông tin.
Sau khi nhận được thông tin giải trình, bổ sung của người nộp thuế khớp đúng với dữ liệu trên hệ thống quản lý thuế thì sẽ thực hiện bù trừ .
Tư vấn thuế Sài Nam
Trên đây là chia sẻ của chúng tôi về việc bù trừ tiền thuế nộp thừa, nếu còn thắc mắc đừng ngần ngại liên hệ cho Sài Nam để được giải đáp.
Với kinh nghiệm 10 năm cung cấp dịch vụ pháp lý doanh nghiệp, Kế toán – Thuế Sài Nam cam đoan sẽ mang đến cho quý khách hàng trải nghiệm tốt nhất khi sử dụng dịch vụ của chúng tôi.