HƯỚNG DẪN QUYẾT TOÁN THUẾ TNCN CHO LAO ĐỘNG NGHỈ THAI SẢN
Chậm nhất là ngày thứ 90 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch, doanh nghiệp phải thực hiện quyết toán thuế thu nhập cá nhân (sau đây gọi tắt là “TNCN”) dù phát sinh hay không phát sinh khấu trừ thuế trong năm và quyết toán thay cho các cá nhân được ủy quyền. Vậy, trong trường hợp người lao động nghỉ thai sản thì doanh nghiệp có phải quyết toán thuế cho họ không?
1. Lao động nghỉ thai sản có được phép ủy quyền cho công ty quyết toán thuế TNCN thay?
Theo Khoản 3 Điều 21 Thông tư 92/2015/TT-BTC sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 16 Thông tư 156/2013/TT-BTC quy định như sau:
“Điều 21. Sửa đổi, bổ sung Điều 16 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22/7/2013 của Chính phủ (sau đây gọi là Thông tư số 156/2013/TT-BTC) như sau:
…
3. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 16
…
a.4) Uỷ quyền quyết toán thuế
a.4.1) Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ủy quyền cho tổ chức, cá nhân trả thu nhập quyết toán thuế thay trong các trường hợp sau:
- Cá nhân chỉ có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 03 (ba) tháng trở lên tại một tổ chức, cá nhân trả thu nhập và thực tế đang làm việc tại đó vào thời điểm uỷ quyền quyết toán, kể cả trường hợp không làm việc đủ 12 (mười hai) tháng trong năm.”
Như vậy, nếu lao động nghỉ thai sản đáp ứng các điều kiện nêu trên thì được phép ủy quyền cho doanh nghiệp quyết toán thuế TNCN thay.
Khi ủy quyền quyết toán thuế TNCN, lao động nghỉ thai sản phải làm giấy ủy quyền quyết toán (theo mẫu 02/UQ-QTT-TNCN ban hành kèm theo Thông tư số 92/2015/TT-BTC).
2. Giảm trừ gia cảnh khi quyết toán thuế TNCN cho lao động nghỉ thai sản
- Giảm trừ gia cảnh cho bản thân
Theo Điểm c, Khoản 1, Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC, trường hợp trong năm tính thuế cá nhân chưa giảm trừ cho bản thân hoặc giảm trừ cho bản thân chưa đủ 12 tháng thì được giảm trừ đủ 12 tháng khi thực hiện quyết toán thuế.
Ngoài ra, theo Điểm b, Khoản 2, Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi, mức hưởng chế độ thai sản, mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau thai sản trợ cấp là các khoản không chịu thuế TNCN.
Như vậy, lao động nghỉ thai sản chỉ phải quyết toán thuế TNCN đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công do doanh nghiệp chi trả.
Ví dụ: Năm 2019, bà A làm việc từ tháng 01/2019 đến hết tháng 06/2019. Bà A nghỉ thai sản từ tháng 07/2019.
Như vậy, trong năm 2019 bà A được tạm tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân từ tháng 01/2019 đến hết tháng 06/2019 (tương ứng với tháng có phát sinh thu nhập). Khi bà A thực hiện quyết toán thuế năm 2019 thì bà A được tính giảm trừ cho bản thân đủ 12 tháng là 108 triệu đồng/năm.
- Giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc
Theo Điểm d, Khoản 1, Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC, con dưới 18 tuổi là người phụ thuộc của người nộp thuế.
“Điều 9. Các khoản giảm trừ
1. Giảm trừ gia cảnh
…
d) Người phụ thuộc bao gồm:
d.1) Con: con đẻ, con nuôi hợp pháp, con ngoài giá thú, con riêng của vợ, con riêng của chồng, cụ thể gồm:
d.1.1) Con dưới 18 tuổi (tính đủ theo tháng).”
Theo Điểm c, Khoản 1, Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC, người nộp thuế được tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc nếu người nộp thuế đã đăng ký thuế và được cấp mã số thuế.
Trường hợp người nộp thuế chưa tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc trong năm tính thuế thì được tính giảm trừ cho người phụ thuộc kể từ tháng phát sinh nghĩa vụ nuôi dưỡng khi người nộp thuế thực hiện quyết toán thuế và có đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc.
Như vậy, khi quyết toán thuế TNCN, lao động nghỉ thai sản được giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc kể từ tháng có nghĩa vụ nuôi dưỡng (tháng sinh con), nếu lao động nghỉ thai sản đã có mã số thuế và đăng ký giảm trừ cho người phụ thuộc.
Lao động nghỉ thai sản không đăng ký người phụ thuộc cho con mới sinh trước khi quyết toán thuế TNCN của năm sinh con, thì không được giảm trừ gia cảnh cho con mới sinh vào thu nhập chịu thuế của năm sinh con.
Ví dụ: Tháng 12/2019 bà B sinh con, tháng 01/2019 công ty của bà B nộp hồ sơ quyết toán thuế TNCN thay cho người lao động.
Vậy bà B phải đăng ký người phụ thuộc trước ngày công ty nộp hồ sơ quyết toán thuế TNCN để được giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc. Nếu bà B đăng ký sau thời điểm công ty nộp hồ sơ quyết toán thuế TNCN thì không được giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc.
CĂN CỨ PHÁP LÝ:
- Thông tư 156/2013/TT-BTC
- Thông tư 92/2015/TT-BTC
Nguồn Pháp lý khởi nghiệp