Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ thì người bán phải lập hóa đơn giao cho người mua. Căn cứ trên hóa đơn đầu ra, cơ sở kinh doanh thực hiện kê khai, tính thuế Giá trị gia tăng (GTGT) vì loại thuế này đánh trên hàng hóa, dịch vụ. Tuy nhiên, có một số trường hợp xuất bán, điều chuyển hàng hóa dịch vụ nhưng không cần lập hóa đơn và kê khai, tính thuế GTGT. Cùng Sài Nam tìm hiểu những trường hợp này ngay sau đây nhé!

1. Quy định về lập hóa đơn và kê khai thuế Giá trị gia tăng (GTGT)

Về hóa đơn: 

Hóa đơn giá trị gia tăng là hóa đơn dành cho các tổ chức khai thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ sử dụng cho các hoạt động:

  • Bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trong nội địa
  • Hoạt động vận tải quốc tế
  • Xuất vào khu phi thuế quan và các trường hợp được coi như xuất khẩu
  • Xuất khẩu hàng hóa, cung cấp dịch vụ ra nước ngoài.

Theo đó, khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn giao cho người mua (kể cả hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, trao đổi, cho, biếu tặng, tiêu dùng nộp bộ, trả thay lương cho người lao động..) TRỪ trường hợp hàng hóa luân chuyển để tiếp tục quá trình sản xuất.

Về kê khai, nộp thuế GTGT:

Doanh nghiệp bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ thì phải kê khai, nộp thuế GTGT.

1.1. Xác định kỳ kê khai

Theo Điều 8 Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định thuế Giá trị gia tăng là loại thuế khai theo tháng trừ trường hợp đủ điều kiện khai theo quý.

Điều kiện để khai theo quý:

  • Người nộp thuế có tổng doanh thu bán hàng hoá và cung cấp dịch vụ của năm trước liền kề từ 50 tỷ đồng trở xuống. Doanh thu để xác định kỳ khai thuế là tổng doanh thu bán hàng hóa, cung cấp dịch trên các tờ khai thuế giá trị gia tăng của các kỳ tính thuế trong năm dương lịch.
  • Người nộp thuế mới bắt đầu hoạt động, kinh doanh. (Nhưng sau khi kinh doanh đủ 12 tháng thì từ năm dương lịch liền kề tiếp theo năm đã đủ 12 tháng sẽ căn cứ theo mức doanh thu của năm dương lịch trước liền kề (đủ 12 tháng) để thực hiện khai thuế giá trị gia tăng theo kỳ tính thuế tháng hoặc quý)

1.2. Thời hạn nộp tờ khai:

Kỳ kê khaiThời hạn
Theo thángChậm nhất là ngày thứ 20 của tháng tiếp theo tháng phát sinh nghĩa vụ thuế
Theo quýChậm nhất là ngày cuối cùng của tháng đầu của quý tiếp theo quý phát sinh nghĩa vụ thuế

2. Những trường hợp không cần lập hóa đơn và kê khai, tính nộp thuế GTGT

Những trường hợp không cần xuất hóa đơn và kê khai, tính nộp thuế GTGT được quy định tại khoản 3 Điều 13 Nghị định 123/2020/NĐ-CP và Điều 5-7 Thông tư 219/2013/TT-BTC bao gồm:

  1. Khoản thu bồi thường bằng tiền (kể cả bồi thường về đất và tài sản bị thu hồi theo quyết định của Cơ quan nhà nước), tiền thưởng, tiền hỗ trợ, tiền chuyển nhượng quyền phát thải và các khoản thu tài chính khác.

Lưu ý:

  • Bên nhận: lập chứng từ thu
  • Bên chi tiền: lập chứng từ chi
  1. Hàng hóa luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất, cung ứng hàng hóa, dịch vụ phục vụ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
  2. Tài sản được bán ra bởi tổ chức, cá nhân không kinh doanh, không nộp thuế GTGT hoặc cá nhân kinh doanh nhưng có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm.
  3. Tài sản cố định (đang sử dụng, đã thực hiện trích khấu hao) được điều chuyển theo giá trị ghi trên sổ sách kế toán (không thực hiện đánh giá lại giá trị tài sản) giữa cơ sở kinh doanh và các đơn vị thành viên do một cơ sở kinh doanh sở hữu 100% vốn hoặc giữa các đơn vị thành viên do một cơ sở kinh doanh sở hữu 100% vốn để phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT 

Lưu ý: Khi điều chuyển tài sản phải có Quyết định hoặc Lệnh điều chuyển tài sản kèm theo bộ hồ sơ nguồn gốc tài sản.

  1. Tài sản được điều chuyển giữa các đơn vị hạch toán phụ thuộc trong doanh nghiệp; điều chuyển tài sản khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp. 

Lưu ý: Khi điều chuyển tài sản  phải có lệnh điều chuyển tài sản, kèm theo bộ hồ sơ nguồn gốc tài sản.

  1. Góp vốn bằng tài sản để thành lập doanh nghiệp. Tài sản góp vốn vào doanh nghiệp phải có:
  • Biên bản góp vốn sản xuất kinh doanh, hợp đồng liên doanh, liên kết;
  • Biên bản định giá tài sản của Hội đồng giao nhận vốn góp của các bên góp vốn (hoặc văn bản định giá của tổ chức có chức năng định giá theo quy định của pháp luật), kèm theo bộ hồ sơ về nguồn gốc tài sản.
  1. Thu đòi người thứ 3 của hoạt động bảo hiểm, các khoản thu hộ không liên quan đến việc bán hàng hóa, dịch vụ của cơ sở kinh doanh.

Tư vấn thuế Sài Nam

Trên đây là chia sẻ của chúng tôi về các trường hợp không cần lập hóa đơn GTGT và tính nộp thuế GTGT, nếu còn thắc mắc đừng ngần ngại liên hệ cho Sài Nam để được giải đáp.

Với kinh nghiệm 10 năm cung cấp dịch vụ pháp lý doanh nghiệp, Kế toán - Thuế Sài Nam cam đoan sẽ mang đến cho quý khách hàng trải nghiệm tốt nhất khi sử dụng dịch vụ của chúng tôi.