Dịch Covid-19 đang tác động mãnh mẽ đến mọi mặt đời sống xã hội, hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Để duy trì, nhiều doanh nghiệp đã chọn lựa giải pháp cắt giảm nhân sự, khi đó rất nhiều người lao động bị mất việc làm đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Đây có thể coi như là một giải pháp giải quyết khó khăn trước mắt. Vậy để có thể nhận trợ cấp thất nghiệp một cách nhanh nhất người lao động cần lưu ý các vấn đề sau:

Hình ảnh minh họa

 

1. Chuẩn bị hồ sơ đầy đủ.

Theo quy định tại Điều 16 Nghị định 28/2015/NĐ-CP thì Hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp bao gồm:

1. Đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp (theo mẫu).

2. Bản chính hoặc bản sao có chứng thực của một trong các giấy tờ sau:

- Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã hết hạn hoặc đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động;

- Quyết định thôi việc;

- Quyết định sa thải;

- Quyết định kỷ luật buộc thôi việc;

- Thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

3. Sổ bảo hiểm xã hội.

2. Nộp hồ sơ đến trung tâm dịch vụ việc làm.

Trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động chưa có việc làm và có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp phải trực tiếp nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương nơi người lao động muốn nhận trợ cấp thất nghiệp.

Theo Nghị quyết 42/NQ-CP năm 2020 thì Chính phủ cho phép người lao động được gửi hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp qua đường bưu điện.

Vì vậy, để tránh mất thời gian (thay vì phải đến nộp hồ sơ trực tiếp trong giai đoạn cách ly xã hội, một số bộ phận đã được bố trị làm việc tại nhà) thì sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo bước 1 thì người lao động sẽ gửi hồ sơ qua đường bưu điện đến trung tâm dịch vụ việc làm nơi người lao động muốn nhận trợ cấp thất nghiệp. Lưu ý để tiện cho việc liên lạc giải quyết hồ sơ thì người lao động cần cung cấp thêm SĐT.

Sau khi nhận được hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp thì Trung tâm dịch vụ việc làm có trách nhiệm tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ, ghi phiếu hẹn trả kết quả; và trao phiếu trực tiếp cho người nộp hồ sơ hoặc gửi qua đường bưu điện đối với người nộp hồ sơ qua đường bưu điện.

Trường hợp hồ sơ không đúng thì trả lại người nộp và nêu rõ lý do. 

Hình ảnh minh họa

 

3. Giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Trường hợp hồ sơ đã đầy đủ thì trong vòng 20 ngày kể từ ngày nhận, Trung tâm dịch vụ việc làm có trách nhiệm xem xét, trình Giám đốc Sở LĐTB&XH quyết định về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động.

Đối với hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp qua đường bưu điện thì ngày nhận hồ sơ được tính là ngày chuyển đến ghi trên dấu bưu điện.

Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp được Giám đốc Sở LĐTB&XH quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp mà người lao động chưa tìm được việc làm:

Thì Trung tâm dịch vụ việc làm xác nhận về việc đã giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động vào sổ bảo hiểm xã hội và gửi lại người lao động cùng với quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp sau khi chụp sổ bảo hiểm xã hội để lưu hồ sơ.

Tổ chức bảo hiểm xã hội thực hiện chi trả trợ cấp thất nghiệp tháng đầu tiên của người lao động trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp

4. Thông báo tìm kiếm việc làm hằng tháng.

Sau khi nhận trợ cấp thất nghiệp tháng đầu, những tháng sau đó, người lao động phải liên hệ Trung tâm dịch vụ việc làm thông báo về việc tìm việc làm theo đúng lịch hẹn kèm theo Quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp. Nếu không thực hiện thì trung tâm dịch vụ việc làm sẽ trình Giám đốc Sở LĐTB&XH quyết định về việc tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động.

Nguồn Thư Viện Pháp Luật