Người nộp thuế khi nợ tiền thuế hóa thời hạn quy định sẽ bị cưỡng chế về thuế như buộc ngừng sử dụng hóa đơn, phong tỏa tài khoản…gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của người nộp thuế. Trường hợp doanh nghiệp đang gặp khó khăn không thể nộp tiền thuế ngay nhưng vẫn muốn duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh thì có thể làm đơn đề nghị nộp dần tiền thuế nợ. Cùng Sài Nam tìm hiểu về thủ tục này ngay sau đây!
Các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về thuế
Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư 215/2013/TT-BTC, người nộp thuế nợ tiền thuế quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế, thời hạn gia hạn nộp thuế thì có quan thuế sẽ áp dụng cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về thuế.
Các biện pháp cưỡng chế được quy định tại Khoản 1 Điều 125 Luật quản lý thuế 2019 bao gồm:
(1) Trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản của người nộp thuế
(2) Khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập.
(3) Dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
(4) Ngừng sử dụng hóa đơn.
(5) Kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên.
(6) Thu tiền, tài sản khác của người nộp thuế do cơ quan, tổ chức, cá nhân khác đang giữ.
(7) Thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề.
Các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế chấm dứt hiệu lực kể từ khi tiền thuế nợ được nộp đủ vào ngân sách nhà nước.
Điều kiện được đề nghị nộp dần số thuế còn nợ
Theo quy định tại khoản 67 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC, người nộp thuế nợ tiền thuế quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế, thời gian gia hạn nộp thuế và thời hạn ghi trong quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế được nộp dần số thuế còn nợ tối đa không quá 12 tháng kể từ ngày bắt đầu của thời hạn cưỡng chế thuế nếu đáp ứng những điều kiện sau:
- Có sự bảo lãnh của tổ chức tín dụng về số tiền thuế đề nghị nộp dần
- Cam kết chia đều số tiền nợ thuế để nộp dần theo tháng
- Nộp đủ số tiền thuế của lô hàng đang làm thủ tục hải quan trước khi thông quan hoặc giải phóng hàng hoặc phải có bảo lãnh của tổ chức tín dụng (đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu)
- Nộp tiền chậm nộp theo mức 0,03%/ngày trên số tiền thuế chậm nộp trong thời gian nộp dần
Hướng dẫn hồ sơ
Hồ sơ đề nghị giãn nộp tiền thuế nợ quy định tại khoản 2 Điều 66 Thông tư 80/2021/TT-BTC bao gồm:
- Văn bản đề nghị nộp dần tiền thuế nợ theo mẫu số 01/NDAN
- Thư bảo lãnh của tổ chức tín dụng (ghi rõ bên bảo lãnh sẽ nộp thay trong trường hợp người nộp thuế không thực hiện đúng thời hạn nộp dần số thuế nợ)
- Quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuếc (nếu có).
Trình tự giải quyết hồ sơ
Bước 1: Nộp hồ sơ
Người nộp thuế lập hồ sơ đề nghị nộp dần số thuế còn nợ gửi đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp
Bước 2: Kiểm tra hồ sơ
Cơ quan thuế kiểm tra hồ sơ nếu phát hiện hồ sơ chưa đầy đủ sẽ thông báo bằng văn bản đề nghị người nộp thuế giải trình hoặc bổ sung hồ sơ (thông báo mẫu số 01/TB-BSTT-NNT) trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ
Bước 3: Trả kết quả
Nếu hồ sơ đầy đủ, cơ quan thuế sẽ ban hành quyết định chấp thuận hoặc không chấp thuận bằng văn bản đề nghị nộp dần trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ
- Chấp thuận: Ban hành Quyết định chấp thuận nộp dần số thuế nợ theo mẫu số 04/NDAN
- Không chấp thuận: Ban hành Thông báo không chấp thuận việc nộp dần tiền thuế nợ theo mẫu số 03/NDAN nếu thư bảo lãnh có dấu hiệu không hợp pháp, đồng thời có văn bản gửi bên bảo lãnh để xác minh và bên bảo lãnh gửi kết quả xác minh cho cơ quan thuế trong thời hạn quy định.
Quy định về số lần và số tiền nộp dần tiền thuế nợ
Căn cứ theo khoản 3 Điều 66 Thông tư 80/2021/TT-BTC quy định như sau:
– Số tiền thuế nợ được nộp dần (tính đến thời điểm đề nghị nộp dần) không được vượt quá số tiền thuế nợ có bảo lãnh của tổ chức tín dụng.
– Thời hạn nộp dần số thuế nợ:
- Không quá 12 tháng và trong thời gian thư bảo lãnh có hiệu lực.
- Nộp dần tiền thuế nợ theo từng tháng đảm bảo số tiền từng lần không thấp hơn số tiền thuế nợ được nộp dần bình quân theo tháng.
Thời hạn nộp dần tiền thuế nợ
Theo quy định tại Khoản 4 Điều 66 Thông tư 80/2021/TT-BTC, thời hạn nộp dần tiền thuế nợ chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng.
Nếu quá thời hạn nộp mà người nộp thuế không nộp, nộp không đủ hoặc bên bảo lãnh chưa thực hiện nghĩa vụ nộp thay thì trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày hết thời hạn nộp dần tiền thuế nợ theo cam kết, cơ quan thuế lập văn bản (mẫu số 02/NDAN) gửi bên bảo lãnh yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh đồng thời gửi người nộp thuế.
Quy định về tiền chậm nộp
Theo điểm d, khoản 1 Điều 59 Luật Quản lý thuế 2019, khi người nộp thuế được nộp dần tiền thuế nợ thì phải nộp tiền chậm nộp và phải tự xác định số tiền chậm nộp phát sinh để nộp
– Mức tính tiền chậm nộp: bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp
– Thời gian tính tiền chậm nộp: tính liên tục từ ngày tiếp theo ngày phát sinh tiền chậm nộp đến ngày liền kề trước ngày số tiền nợ thuế nộp vào ngân sách nhà nước.
Tư vấn thuế Sài Nam
Trên đây là chia sẻ của chúng tôi về quy định cho phép nộp dần tiền nợ thuế, nếu còn thắc mắc đừng ngần ngại liên hệ cho Sài Nam để được giải đáp.
Với kinh nghiệm 10 năm cung cấp dịch vụ Pháp lý doanh nghiệp – Kế toán – Thuế, Sài Nam cam đoan sẽ mang đến cho quý khách hàng trải nghiệm tốt nhất khi sử dụng dịch vụ của chúng tôi.