CÁCH TÍNH THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN ĐỐI VỚI CÁ NHÂN KHÔNG CƯ TRÚ
1. Cá nhân không cư trú là ai?
Cá nhân không cư trú là cá nhân không đủ điều kiện để được xem là cư trú sau đây căn cứ theo khoản 1 Điều 1 Thông tư 111/2013/TT-BTC:
- Có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày ngày trở lên tính theo năm dương lịch hoặc trong 12 tháng liên tục từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam. Ngày đến và ngày đi được tính là 1 ngày, căn cứ theo chứng thực của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh
- Có nơi ở thường xuyên theo một trong hai trường hợp sau:
+ Đối với công dân Việt Nam: nơi ở thường xuyên là nơi cá nhân sinh sống thường xuyên, ổn định không có thời hạn tại một chỗ ở nhất định và đã đăng ký thường trú theo quy định của pháp luật về cư trú.
+ Đối với người nước ngoài: nơi ở thường xuyên là nơi ở thường trú ghi trong Thẻ thường trú hoặc nơi ở tạm trú khi đăng ký cấp Thẻ tạm trú do cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Công an cấp.
- Có nhà thuê để ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về nhà ở, với thời hạn của các hợp đồng thuê từ 183 ngày trở lên trong năm tính thuế, cụ thể như sau:
+ Cá nhân chưa hoặc không có nơi ở thường xuyên nhưng có tổng số ngày thuê nhà để ở theo các hợp đồng thuê từ 183 ngày trở lên trong năm tính thuế cũng được xác định là cá nhân cư trú, kể cả trường hợp thuê nhà ở nhiều nơi.
+ Nhà thuê để ở bao gồm cả trường hợp ở khách sạn, ở nhà khách, nhà nghỉ, nhà trọ, ở nơi làm việc, ở trụ sở cơ quan,... không phân biệt cá nhân tự thuê hay người sử dụng lao động thuê cho người lao động.
Trường hợp cá nhân có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam theo quy định tại khoản này nhưng thực tế có mặt tại Việt Nam dưới 183 ngày trong năm tính thuế mà cá nhân không chứng minh được là cá nhân cư trú của nước nào thì cá nhân đó là cá nhân cư trú tại Việt Nam.
Việc chứng minh là đối tượng cư trú của nước khác được căn cứ vào Giấy chứng nhận cư trú. Trường hợp cá nhân thuộc nước hoặc vùng lãnh thổ đã ký kết Hiệp định thuế với Việt Nam không có quy định cấp Giấy chứng nhận cư trú thì cá nhân cung cấp bản chụp Hộ chiếu để chứng minh thời gian cư trú.
2. Cách tính thuế TNCN đối với cá nhân không cư trú
Căn cứ theo hướng dẫn tại chương 3 Thông tư 111/2013/TT-BTC
Công thức tính thuế:
Thuế TNCN phải nộp = Thu nhập tính thuế x Thuế suất
Nguồn thu nhập | Thu nhập tính thuế |
Thuế suất |
(1) Thu nhập từ kinh doanh | Doanh thu phát sinh từ việc cung ứng hàng hóa, dịch vụ bao gồm cả chi phí do bên mua hàng hóa, dịch vụ trả thay cho cá nhân không cư trú mà không được hoàn trả. |
+ 1% đối với hoạt động kinh doanh hàng hóa; + 5% đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ; + 2% đối với hoạt động sản xuất, xây dựng, vận tải và hoạt động kinh doanh khác. |
(2) Thu nhập từ tiền lương, tiền công |
Tổng số tiền lương, tiền công là tổng số tiền lương, tiền công mà cá nhân không cư trú nhận được do thực hiện công việc tại Việt Nam, không phân biệt nơi trả thu nhập. |
20% |
(3) Thu nhập từ đầu tư vốn |
Tổng số tiền mà cá nhân không cư trú nhận được từ việc đầu tư vốn vào tổ chức, cá nhân tại Việt Nam |
5% |
(4) Thu nhập từ chuyển nhượng vốn |
Tổng số tiền mà cá nhân không cư trú nhận được từ việc chuyển nhượng phần vốn tại tổ chức, cá nhân Việt Nam |
0,1% |
(5) Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản |
Giá chuyển nhượng bất động sản |
2% |
(6) Thu nhập từ bản quyền, nhượng quyền thương mại |
Phần thu nhập vượt trên 10 triệu đồng theo từng hợp đồng |
5% |
(7) Thu nhập từ trúng thưởng, thừa kế, quà tặng |
- Phần giá trị giải thưởng vượt trên 10 triệu đồng theo từng lần trúng thưởng tại Việt Nam |
10% |
3. Thời điểm xác định thu nhập chịu thuế
- Trường hợp (1): Thời điểm xác định thu nhập chịu thuế là thời điểm cá nhân không cư trú nhận được thu nhập hoặc thời điểm xuất hóa đơn bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.
- Trường hợp (2), (3), (6), (7): Thời điểm xác định thu nhập chịu thuế là thời điểm tổ chức, cá nhân ở Việt Nam trả thu nhập cho cá nhân không cư trú hoặc thời điểm cá nhân không cư trú nhận được thu nhập từ tổ chức, cá nhân ở nước ngoài.
- Trường hợp (4), (5): Thời điểm xác định thu nhập chịu thuế là thời điểm hợp đồng chuyển nhượng có hiệu lực.
Nguồn Thư viện pháp luật