Tổ chức lại doanh nghiệp là một trong các biện pháp thích ứng hiệu quả của các nhà đầu tư trước sự vận động, biến chuyển không ngừng của thị trường. Tại mỗi thời kỳ, pháp luật có những quy định thích hợp để điều chỉnh các vấn đề pháp lý xoay quanh việc tổ chức lại doanh nghiệp.
Các quy định điều chỉnh hoạt động tổ chức lại doanh nghiệp hiện hành vẫn tồn tại nhiều điểm bất hợp lý, thiếu chặt chẽ khiến các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước lúng túng trong việc áp dụng vào thực tiễn.
Đơn cử là vấn đề tách doanh nghiệp với những quy định về phương thức thực hiện thủ tục này. Bài viết sẽ tập trung vào phân tích phương thức tách doanh nghiệp theo quy định của Bộ luật Dân sự và Luật Doanh nghiệp qua các thời kỳ, đặc biệt là các quy định về tách doanh nghiệp trong Luật doanh nghiệp 2014.
Lịch sử ra đời và tồn tại
Trong lịch sử lập pháp Việt Nam, chế định về tách pháp nhân xuất hiện lần đầu tại Bộ luật dân sự 1995 và đã từng được đề cập trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau. Bộ luật dân sự 1995 đã ghi nhận nội dung này tại Mục 1 Chương III – “Những quy định chung về pháp nhân”, tiếp theo đó, Bộ luật dân sự 2005 và 2015 cũng kế thừa nội dung này.
Đối với hệ thống văn bản luật chuyên ngành, các văn bản quy phạm từ trước đến nay đều ghi nhận tách là một trong năm cách để tổ chức lại doanh nghiệp, được áp dụng đối với hai loại hình doanh nghiệp là công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần.
Luật doanh nghiệp 1999 và 2005 đưa ra nguyên tắc chung khi thực hiện thủ tục này là “chuyển một phần quyền và nghĩa vụ của công ty bị tách sang công ty được tách mà không chấm dứt tồn tại của công ty bị tách”, đồng thời quy định chi tiết thủ tục thực hiện.
Luật doanh nghiệp 2014 (hiện hành) ngoài việc kế thừa các nội dung trên, đã bổ sung thêm quy định về các phương thức tách, cụ thể tại Khoản 2 Điều 193:
“2. Tách công ty có thể thực hiện theo một trong các phương thức sau đây: (a) Một phần phần vốn góp, cổ phần của các thành viên, cổ đông cùng với tài sản tương ứng với giá trị phần vốn góp, cổ phần được chuyển sang cho các công ty mới theo tỷ lệ sở hữu trong công ty bị tách và tương ứng giá trị tài sản được chuyển cho công ty mới; (b) Toàn bộ phần vốn góp, cổ phần của một hoặc một số thành viên, cổ đông cùng với tài sản tương ứng với giá trị cổ phần, phần vốn góp của họ được chuyển sang cho các công ty mới; (c) Kết hợp cả hai trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản này”.
Quan điểm của một số địa phương
Thực tế, cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh tại một số địa phương cho rằng doanh nghiệp chỉ được phép thực hiện một trong ba phương thức tách được trích dẫn ở trên và loại trừ các phương thức khác không được đề cập đến tại Khoản 2 Điều 193 Luật doanh nghiệp 2014.
Theo quan điểm của các cơ quan này, các phương thức tách không thuộc ba trường hợp nêu trên chưa được bất kỳ văn bản pháp lý nào ghi nhận, và đương nhiên cũng không có bất kỳ hướng dẫn nào để cơ quan Nhà nước chấp thuận và kiểm tra việc thực hiện của doanh nghiệp là phù hợp hay chưa phù hợp với quy định của pháp luật.
Xét về nội dung của quy định tại Điều 193, Luật doanh nghiệp2014, tại Điểm (a) và Điểm (b) quy định tương đối rõ ràng về phương thức tách, tuy nhiên Điểm (c) Khoản 2 Điều 193 Luật doanh nghiệp 2014 đang tồn tại nhiều quan điểm áp dụng khác nhau bởi hiện tại Luật doanh nghiệp 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành không quy định chi tiết trường hợp tại Điểm (c) được áp dụng như thế nào. Theo quan điểm của cơ quan đăng ký kinh doanh tại một số địa phương, phương thức tách theo Điểm (c) phải có sự tham gia của toàn bộ các thành viên/cổ đông công ty và đồng thời thỏa mãn các điều kiện sau:
Toàn bộ phần vốn góp, cổ phần của một hoặc một số thành viên, cổ đông cùng với tài sản tương ứng với giá trị phần vốn góp, cổ phần của họ được chuyển sang cho các công ty mới.
Một phần phần vốn góp, cổ phần của các thành viên, cổ đông còn lại cùng với tài sản tương ứng với giá trị phần vốn góp, cổ phần được chuyển sang cho các công ty mới theo tỷ lệ sở hữu trong công ty bị tách và tương ứng giá trị tài sản được chuyển cho công ty mới.
Những điểm bất hợp lý
Chúng tôi cho rằng sự hạn chế trong diễn đạt của luật thành văn đã không truyền tải hết được tinh thần của các quy định này, dẫn đến câu chữ đang “trói buộc” cách hiểu và cách vận dụng của cơ quan đăng ký kinh doanh tại một số địa phương, cụ thể như sau:
Thứ nhất, xét về mặt câu chữ, Khoản 2 Điều 193 Luật Doanh nghiệp quy định: “Tách công ty có thể thực hiện theo một trong các phương thức sau đây […]”. Theo từ điển tiếng Việt, “có thể” mang nghĩa có khả năng hoặc điều kiện, chủ quan hoặc khách quan, làm việc gì.
Như vậy, quy định này chỉ là gợi ý về phương thức thực hiện mà doanh nghiệp có thể cân nhắc áp dụng để phù hợp với nhu cầu và mục đích của mình, mà không phải là câu dẫn mệnh lệnh mang tính bắt buộc doanh nghiệp phải tuân theo.
Cách giải thích như vậy hoàn toàn không mang tính “bẻ chữ để lách luật” mà là cách hiểu căn cơ, nhất quán về nguyên tắc xuyên suốt Luật doanh nghiệp 1999, 2005 và đến nay là Luật doanh nghiệp 2014 đó là nguyên tắc “Tôn trọng quyền tự định đoạt của doanh nghiệp về tài sản và những hoạt động của mình”.
Bên cạnh đó, cách hiểu cứng nhắc như quan điểm của một số địa phương như trên vô hình trung làm hạn chế quyền tự quyết của các nhà đầu tư trong việc tổ chức lại doanh nghiệp vốn rất đa dạng trên thực tế, vi phạm quyền tự do thỏa thuận, quyền tự định đoạt tài sản của các thành viên/cổ đông như đã được quy định tại Khoản 8, Điều 7, Luật doanh nghiệp 2014.
Thứ hai, đối với quy định tại Điểm (c) Khoản 2 Điều 193 Luật doanh nghiệp 2014, cần khẳng định rằng quan điểm tách doanh nghiệp phải theo đúng tỷ lệ góp vốn trong Công ty bị tách như cách hiểu của một số địa phương mà chúng tôi đã đề cập ở trên là bất hợp lý.
Bởi lẽ, việc duy trì tỷ lệ tách phần vốn góp/cổ phần của các cổ đông còn lại theo tỷ lệ sở hữu trong công ty bị tách không còn ý nghĩa trong trường hợp đã có một (số) thành viên/cổ đông tách toàn bộ vốn góp của họ sang Công ty được tách. Trong trường hợp này, dù các cổ đông còn lại tách đúng tỷ lệ thì sang Công ty được tách cũng không thể bảo toàn được tỷ lệ cũ.
Bên cạnh đó, không phải thành viên/cổ đông góp vốn nào cũng có nhu cầu tách vốn của mình sang Công ty bị tách, hay nói cách khác, việc tổ chức lại doanh nghiệp là quyền của các thành viên/cổ đông công ty trên cơ sở đồng thuận, do vậy quan điểm của này có phần chưa tôn trọng quyền sở hữu vốn, quyền đầu tư của các nhà đầu tư, các thành viên/cổ đông góp vốn vào doanh nghiệp.
Cách hiểu đúng
Từ việc nhìn nhận và đánh giá các bất cập trên, chúng tôi cho rằng quy định về phương thức tách tại Khoản 2, Điều 193, Luật doanh nghiệp 2014 cần được tiếp cận theo hướng cởi mở và nhất quán với nguyên tắc chung của Luật doanh nghiệp 2014.
Một là, không nên hiểu doanh nghiệp chỉ được phép thực hiện một trong ba phương thức tách mà luật đưa ra. Như chúng tôi đã phân tích, tinh thần của các Luật doanh nghiệp từ trước đến nay và Luật doanh nghiệp 2020 sắp có hiệu lực là đề cao quyền tự định đoạt tài sản của các nhà đầu tư và tôn trọng quyền tự thoả thuận của các thành viên, cổ đông góp vốn.
Luật doanh nghiệp 2020 (sẽ chính thức thay thế Luật doanh nghiệp 2014 từ ngày 01/01/2021) đã bỏ quy định chi tiết về phương thức tách doanh nghiệp (Điều 199).
Nội dung sửa đổi này đã thể hiện tinh thần của các nhà làm luật hướng đến việc đề cao quyền tự do góp vốn, tổ chức quản lý và tổ chức lại doanh nghiệp của các cổ đông, cho phép doanh nghiệp tự chủ trong việc lựa chọn phương thức tổ chức lại doanh nghiệp.
Hai là, Điểm (c) Khoản 2 Điều 193 Luật doanh nghiệp 2014 cần được hiểu theo hướng là một quy định mở để phù hợp với nguyên tắc và tinh thần của pháp luật về doanh nghiệp: tách công ty được thực hiện trên cơ sở tự định đoạt và tự thỏa thuận của các thành viên, cổ đông, miễn là đảm bảo nguyên tắc chuyển một phần quyền và nghĩa vụ của công ty bị tách sang công ty được tách mà không chấm dứt tồn tại của công ty bị tách cũng như phương thức tách được quyết định như vậy không phương hại đến quyền, lợi ích của nhà nước, của các tổ chức và cá nhân khác trong xã hội.
Tạm kết
Hiện nay, tồn tại một lượng không nhỏ hồ sơ xin thực hiện thủ tục tách doanh nghiệp đang bị tạm ngưng giải quyết do các quan điểm trái ngược về việc áp dụng quy định tách giữa doanh nghiệp và Cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh tại địa phương.
Hy vọng rằng vấn đề này sẽ được “khai thông” khi mà sắp tới Luật doanh nghiệp 2020 ra đời thay thế luật cũ nhằm thích ứng với xu hướng phát triển mạnh mẽ của thị trường thời gian qua, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động tự do tối đa trong khuôn khổ của pháp luật và cũng phá bỏ nhiều vướng mắc, khó khăn trong công tác quản lý nhà nước đang tồn tại hiện nay.
Nguồn Doanh nhân và pháp luật