Theo quy định tại Điều 61 Luật Quản lý thuế 2019 và các văn bản liên quan thì người nộp thuế vẫn phải nộp đủ tiền thuế trong thời gian khiếu nại quyết định ấn định thuế, cụ thể:

 

- Trong thời gian giải quyết khiếu nại, khởi kiện của người nộp thuế về số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt do cơ quan quản lý thuế tính hoặc ấn định, người nộp thuế vẫn phải nộp đủ số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đó, trừ trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định tạm đình chỉ thực hiện quyết định tính thuế, quyết định ấn định thuế của cơ quan quản lý thuế.

- Ngoài ra, căn cứ theo Điểm c Khoản 2 Điều 12 Luật Khiếu nại 2011 thì người khiếu nại có nghĩa vụ chấp hành quyết định hành chính, hành vi hành chính mà mình khiếu nại trong thời gian khiếu nại, trừ trường hợp quyết định, hành vi đó bị tạm đình chỉ thi hành theo quy định.

Như vậy, với các quy định nêu trên,trong thời gian giải quyết khiếu nại, khởi kiện của người nộp thuế về quyết định ấn định thuế thì người nộp thuế vẫn phải nộp đủ số tiền thuế ấn định trừ trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định tạm đình chỉ thực hiện quyết định tính thuế, ấn định thuế của cơ quan quản lý thuế.

Trong đó lưu ý:

- Trường hợp quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế thì người nộp thuế bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo quy định tại Khoản 1 Điều 124, 125 Luật Quản lý thuế.

- Trường hợp số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đã nộp lớn hơn số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt được xác định theo quyết định giải quyết khiếu nại của cơ quan có thẩm quyền hoặc bản án, quyết định của Tòa án thì người nộp thuế được hoàn trả số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa.

- Người nộp thuế có quyền yêu cầu cơ quan quản lý thuế trả tiền lãi theo mức 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa. Nguồn tiền trả lãi được chi trả từ ngân sách trung ương theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Nguồn Thư Viện Pháp Luật