Kinh phí công đoàn (KPCĐ) là khoản kinh phí cho các tổ chức công đoàn để thực hiện các hoạt động đại diện cho quyền lợi và lợi ích của người lao động trong các công ty, doanh nghiệp, tổ chức, và các cơ quan có liên quan khác.
Mục đích sử dụng kinh phí công đoàn
Người sử dụng lao động có trách nhiệm nộp KPCĐ vào tài khoản của Liên đoàn Lao động cấp quận (bao gồm quận, huyện) nơi doanh nghiệp/ tổ chức/ đơn vị có trụ sở hoạt động. KPCĐ được sử dụng cho các mục đích sau:
- Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, văn hóa, thể thao, du lịch cho người lao động.
- Hỗ trợ người lao động trong các trường hợp khó khăn, bệnh tật, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
- Tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện, hỗ trợ cộng đồng.
- Quản lý và phát triển công đoàn.
Đối tượng đóng kinh phí công đoàn
Theo quy định tại Luật Công đoàn 2012, việc thành lập công đoàn tại đơn vị được thực hiện trên cơ sở tự nguyện, do đó doanh nghiệp không bắt buộc phải thành lập công đoàn cơ sở tại đơn vị.
Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 4 Nghị định 191/2013/NĐ-CP, doanh nghiệp bắt buộc phải đóng KPCĐ dù cho có công đoàn cơ sở hay không. Những đối tượng nộp KPCĐ bao gồm:
- Cơ quan nhà nước (kể cả Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn), đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân.
- Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.
- Đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập.
- Doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế thành lập, hoạt động theo Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư.
- Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành lập, hoạt động theo Luật hợp tác xã.
- Cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam có liên quan đến tổ chức và hoạt động công đoàn, văn phòng điều hành của phía nước ngoài trong hợp đồng hợp tác kinh doanh tại Việt Nam có sử dụng lao động là người Việt Nam.
- Tổ chức khác có sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động.
Quy định về việc đóng kinh phí công đoàn
Theo quy định tại Điều 5 Nghị định 191/2013/NĐ-CP:
Mức đóng KPCĐ: 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho người lao động.
Trong đó: Quỹ tiền lương này là tổng mức tiền lương của những người lao động thuộc đối tượng phải đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Thời hạn đóng: đóng hằng tháng cùng thời điểm đóng BHXH bắt buộc cho người lao động
Đối với tổ chức, doanh nghiệp nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp trả tiền lương theo chu kỳ sản xuất, kinh doanh đóng KPCĐ theo tháng hoặc quý một lần cùng với thời điểm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động trên cơ sở đăng ký với tổ chức công đoàn.
Nguồn đóng kinh phí công đoàn
Nguồn đóng KPCĐ được quy định tại Điều 7 Nghị định 191/2013/NĐ-CP như sau:
- Đối với doanh nghiệp và đơn vị có hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ, khoản đóng KPCĐ được hạch toán vào chi phí sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong kỳ.
- Đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị còn lại, khoản đóng KPCĐ được sử dụng từ nguồn kinh phí hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị theo quy định của pháp luật.
Mức phạt khi chậm đóng kinh phí công đoàn
Trường hợp doanh nghiệp không đóng hoặc không đóng đủ KPCĐ sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 38 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, cụ thể như sau:
Mức phạt | Hành vi |
Phạt tiền từ 12% – dưới 15% trên tổng số tiền phải đóng KPCĐ | - Chậm đóng kinh phí công đoàn - Đóng kinh phí công đoàn không đúng mức quy định - Đóng kinh phí công đoàn không đủ số người thuộc đối tượng phải đóng. |
Phạt tiền từ 18% – 20% tổng số tiền phải đóng KPCĐ | Không đóng kinh phí công đoàn cho toàn bộ người lao động thuộc đối tượng phải đóng. |
Lưu ý: Mức phạt trong các trường hợp này không quá 75 triệu đồng.
Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải nộp cho tổ chức công đoàn số tiền kinh phí chậm đóng, đóng chưa đủ hoặc chưa đóng và số tiền lãi của số kinh phí chưa đóng, chậm đóng theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước trong 30 ngày kể từ ngày có quyết định xử phạt.
Nguồn Thư viện pháp luật
Trên đây là chia sẻ của chúng tôi về các quy định liên quan đến kinh phí công đoàn, nếu còn thắc mắc đừng ngần ngại liên hệ cho Sài Nam để được giải đáp.
Với kinh nghiệm 10 năm cung cấp dịch vụ Pháp lý doanh nghiệp, Kế toán - Thuế, Sài Nam cam đoan sẽ mang đến cho quý khách hàng trải nghiệm tốt nhất khi sử dụng dịch vụ của chúng tôi.