Chế độ thai sản luôn là mối quan tâm hàng đầu đối với các lao động nữ khi sinh con; tuy nhiên, không phải người nào cũng đáp ứng đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội (sau đây gọi tắt là “BHXH”) trước khi sinh con để được hưởng chế độ này. Vậy, lao động nữ cần đóng BHXH bao lâu thì được hưởng chế độ thai sản?

 

                                 

           Theo quy định tại Khoản 2 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014lao động nữ sinh con đóng BHXH bắt buộc từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con thì đủ điều kiện được hưởng chế độ thai sản.

    • Thời gian 12 tháng trước khi sinh con được xác định như sau:

- Trường hợp người lao động làm việc không đủ 14 ngày trong tháng sinh con (không kể ngày chủ nhật), thì tháng sinh con không tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

- Trường hợp làm việc đủ 14 ngày trong tháng sinh con (không kể ngày chủ nhật) và tháng đó có đóng BHXH, thì tháng sinh con được tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con. Trường hợp tháng đó không đóng BHXH thì tháng sinh con không tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

Ví dụ: Chị A được bác sĩ dự sinh trong tháng 01/2022

+ Nếu ngày sinh con thực trước ngày 18/01/2022 thì 12 tháng sinh được tính từ tháng 01/2021 đến tháng 12/2021

+ Nếu ngày sinh con thực tế từ ngày 18/01/2022 trở đi thì 12 tháng sinh con tính từ tháng 02/2021 đến tháng 01/2022

    • Lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng. Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng.
    • Mức hưởng thai sản trong trường hợp này bằng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH nhân 06. Ngoài ra, lao động nữ còn được nhận trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con.

Tuy nhiên, vẫn có trường hợp lao động nữ sinh con không cần đóng BHXH bắt buộc từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con mà vẫn được hưởng đầy đủ chế độ thai sản nêu trên. Cụ thể như sau:

Lao động nữ đáp ứng đủ 03 điều kiện dưới đây thì vẫn được hưởng chế độ thai sản:

(i) Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền sinh con;

(ii) Đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên;

(iii) Đóng BHXH từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

Ví dụ: Bà B đóng BHXH từ tháng 01/2017. Bà mang thai từ tháng 7/2018 và nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của bệnh viện từ tháng 8/2018 đến tháng 04/2019 thì sinh con. Như vậy, bà B đủ điều kiện để hưởng chế độ thai sản do:

- Bà B nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền sinh con.

- Bà B đã đóng BHXH 1 năm 7 tháng.

- Bà B đã đóng BHXH 04 tháng trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

Đối với trường hợp lao động nữ sinh con không đáp ứng được đủ các điều kiện nêu trên thì không đủ điều kiện để được hưởng chế độ thai sản. Nhưng, lao động nữ vẫn có thể thỏa thuận với doanh nghiệp tạm hoãn hợp đồng lao động một khoản thời gian nhất định để sinh và chăm con.

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày hết thời hạn tạm hoãn hợp đồng lao động, lao động nữ phải có mặt tại nơi làm việc và doanh nghiệp phải nhận người này trở lại làm việc; nếu lao động nữ không thể có mặt tại nơi làm việc theo đúng thời hạn quy định thì phải thỏa thuận với doanh nghiệp về thời điểm có mặt.

*Lưu ý: 

Theo Điều 102 Luật BHXH 2014

Do trên thực tế có nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của pháp luật để hưởng trợ cấp thai sản, lạm dụng quỹ BHXH như thành lập công ty ký hợp đồng với người lao động mang thai nhưng thực tế không làm việc để hưởng chế độ thai sản, người lao động gửi đóng BHXH, nâng cao mức đóng BHXH để hưởng chế độ thai sản.

Vì vậy, để ngăn chặn tình trạng trên, cơ quan BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường kiểm tra, rà soát kỹ các trường hợp đề nghị giải quyết chế độ thai sản mà có thời gian đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

Ví dụ: Người lao động tham gia BHXH đủ 6 tháng rồi nghỉ hưởng thai sản thì hồ sơ thai sản của người lao động sẽ thuộc diện bị thanh tra

Nguồn: Pháp lý khởi nghiệp